Hỏi:
Theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo các Nghị định của Chính phủ thì các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (riêng các đơn vị y tế sử dụng tối thiểu 35% số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác) để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở. Mặt khác, theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ thì các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện trích lập Quỹ bổ sung thu nhập để chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm và dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau trong trường hợp nguồn thu nhập bị giảm. Đồng thời, theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương bao gồm tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ của các đơn vị sự nghiệp có thu (kể cả các đơn vị đã thực hiện cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu). Riêng các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% và tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan hành chính có thu. Như vậy, đối chiếu với các quy định có liên quan thì việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi cho toàn bộ quỹ lương (không chỉ là điều chỉnh giữa các mức lương cơ sở) chưa được quy định cụ thể. Theo đó, trường hợp đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên có quy mô thu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không đủ đảm bảo chi lương. Trong khi quỹ bổ sung thu nhập không còn nhưng nguồn cải cách tiền lương còn dư thì đơn vị có được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho toàn bộ quỹ lương không? Kính mong Bộ Tài chính có ý kiến giải đáp để đơn vị triển khai thực hiện.
07/10/2021
Trả lời:
1.Tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 46/2019/TT-BTC ngày 23/7/2019 của Bộ Tài chính (có hiệu lực thi hành từ ngày 06/9/2019) hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2019 và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xác định nguồn kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 44/2019/NĐ-CP như sau:
“4. Các cơ quan hành chính được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; các đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên, các cơ sở giáo dục đại học công lập tiếp tục được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện tự chủ theo tinh thần của Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017: Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí điều chỉnh mức tiền lương cơ sở từ nguồn thu của đơn vị, bao gồm cả nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng (nếu có).”
Theo đó, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1) và ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2) được tự quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự đảm bảo nguồn kinh phí điều chỉnh mức tiền lương cơ sở từ nguồn thu của đơn vị, bao gồm vả nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng (nếu có).
2.Năm 2020, Bộ Tài chính có công văn số 9070/BTC-HCSN ngày 28/7/2020 về việc đánh giá, báo cáo mức độ ảnh hưởng, tổng hợp hỗ trợ mức kinh phí do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các ĐVSNCL, trong đó có nêu:
“Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quant rung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
1.Chỉ đạo các ĐVSNCL trực thuộc chủ động:
- a)Sử dụng các nguồn tài chính gồm:
- Nguồn thu sự nghiệp được để lại chi theo quy định của pháp luật;
- Quỹ dự phòng ổn định thu nhập, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi;
- Nguồn kinh phí cải cách tiền lương chưa sử dụng năm 2019 chuyển sang năm 2020.
b)…Để ưu tiên nguồn thực hiện chi trả tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và các khoản phụ cấp được quy định bằng mức tuyệt đối) và các khoản đóng góp theo chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) năm 2020 của số lượng người làm việc có mặt trong phạm vi số lượng người làm việc (đối với ĐVSNCL tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và ĐVSNCL do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên), đề án vị trí việc làm (đối với ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư) được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt đầy đủ, kịp thời cho công chức, viên chức của đơn vị.
2.Trường hợp các ĐVSNCL tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sau khi sử dụng các nguồn tài chính có khó khăn, không đảm bảo chi trả tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thê, giờ và các khoản phụ cấp được quy định bằng mức tuyệt đối) và các khoản đòng góp theo chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) năm 2020 của số lượng người làm việc có mặt theo hướng dẫn tại khoản 1 nêu trên, báo cáo Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xử lý theo chế độ quy định. Trên cơ sở đó, đề nghị các địa phương chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương và nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ các đơn vị theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành
3.Đối với người lao động ngoài chỉ tiêu biên chế được giao: ĐVSNCL chủ động sắp xếp nguồn tài chính được sử dụng để chi thường xuyên để chi trả tiền lương cho đối tượng này theo chế độ Nhà nước quy định.”
- Năm 2021, đề nghị đơn vị căn cứ tình hình thực tế của năm 2020 để báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn dư để chi trả tiền lương bị giảm sút do nguồn thu như hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số 9070/BTC-HCSN ngày 28/7/2020 nêu trên.