Hỏi: Kính gửi Bộ tài chính , tôi đang công tác tại Trường THPT Gò Vấp - TPHCM , là đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một phần chi thường xuyên , có một vấn đề muốn trợ giúp : Cuối năm 2020 được trích lập quỹ phúc lợi từ chê

 Hỏi:

Kính gửi Bộ tài chính , tôi đang công tác tại Trường THPT Gò Vấp - TPHCM , là đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một phần chi thường xuyên , có một vấn đề muốn trợ giúp : Cuối năm 2020 được trích lập quỹ phúc lợi từ chênh lệch thu lớn hơn chi từ nguồn ngân sách năm là : 715 triệu đồng ; Trường làm giấy rút dự toán từ ngân sách cho quỹ phúc lợi : vào ngày 19/12/2020 rút 225 triệu đồng ( tạm ứng ) từ KBNN và ngày 06/01/2021 rút 490 triệu đồng ( thực chi ) từ KBNN , ngày 10/01/2021 đã làm giấy Thanh toán tạm ứng với KBNN số tiền 225 triệu đồng . Xin hỏi trong “ Báo cáo chi tiết chi từ nguồn NSNN và nguồn phí được khấu trừ để lại “ năm 2020 ( phụ biểu F01-01/BCQT ) , số tiền trích lập quỹ phúc lợi từ nguồn ngân sách nhà nước được ghi là : 490 triệu đông . Xin hỏi việc này có đúng không ? . Xin chân thành cám ơn .

08/03/2022

 Trả lời:

 

Nội dung thư độc giả hỏi về việc đơn vị hạch toán và lập báo cáo quyết toán đối với khoản trích quỹ phúc lợi năm 2020 theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính. Về vấn đề này Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán- Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

  1. Năm 2020 các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/02/2015 về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Khoản 3, Điều 14, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên:  

3. Phân phối kết quả tài chính trong năm

  1. a) Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau:

- Trích tối thiểu 15% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;

- Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định;

- Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

- Trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật;

- Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Trường hợp chênh lệch thu lớn hơn chi bằng hoặc nhỏ hơn một lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ thực hiện trong năm, đơn vị được quyết định sử dụng theo trình tự sau: Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập; Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ khác (nếu có).

  1. b) Mức trích cụ thể của các quỹ theo quy định tại Điểm a Khoản này và việc sử dụng các quỹ do thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải công khai trong đơn vị. Nội dung chi từ các quỹ thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 12 Nghị định này”.
  2. Theo quy định của Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC, tại Phụ lục số 02, nguyên tắc hạch toán tài khoản 421 “Thặng dư (thâm hụt) lũy kế”: “Việc phân phối và sử dụng số thặng dư phải tuân thủ các quy định của chế độ tài chính hiện hành”.
  3. Trường hợp năm 2020, đơn vị đã thực hiện việc trích lập quỹ theo đúng quy định của cơ chế tài chính. Số đã rút thực chi (bao gồm cả số đã thanh toán tạm ứng với Kho bạc nhà nước) để trích các quỹ từ dự toán ngân sách cấp trong năm 2020 ngoài việc hạch toán tài khoản trong bảng còn phải được hạch toán đồng thời vào bên Có TK 008 (thực chi), lưu ý việc hạch toán các khoản rút dự toán vào bên Có TK 008 phải căn cứ theo chứng từ rút tiền với Kho bạc nhà nước (thuộc dự toán năm trước, năm nay) để hạch toán niên độ phù hợp.

Với tình huống cụ thể trong thư hỏi của độc giả, không nêu rõ ngày 06/01/2021 đơn vị rút dự toán thực chi 490 triệu đồng để trích quỹ phúc lợi và ngày 10/01/2021 thực hiện thanh toán tạm ứng 225 triệu đồng (cho khoản đã ứng trong tháng 12/2020) là khoản chi được hạch toán vào ngân sách năm 2020,  hay đã được chuyển mang sang dự toán sang 2021.

Trường hợp các khoản thực chi nêu trên đơn vị chưa chuyển sổ dự toán sang 2021 mà thực hiện rút dự toán năm 2020 (trong thời gian chỉnh lý quyết toán) thì số liệu này sẽ được thể hiện trên báo cáo quyết toán năm 2020.

Trên đây là ý kiến trả lời của Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán- Bộ Tài chính.  Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện./.